Khu công nghiệp-Thừa Thiên Huế | Thành phố Huế là kinh đô phong kiến cuối cùng của Việt Nam, vốn có lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời với những giá trị và bản sắc độc đáo. Các giá trị di sản văn hóa nơi đây thể hiện những nét riêng hấp dẫn của một vùng văn hóa, vừa mang tính đặc thù – bản địa, vừa mang tính dân tộc – phổ biến, vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của các nền văn hóa Á Âu.
Nằm ở vị trí trung tâm của đất nước và trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Thừa Thiên Huế đã được Trung ương xác định là đô thị loại I, là Thành phố di sản văn hóa thế giới, một trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, là thành phố Festival của Việt Nam.
Với độ dày về văn hóa, lịch sử của quá trình hình thành và phát triển, thành phố Huế đã xác lập cho mình một bản sắc riêng, đó là “bản sắc Huế” cùng với những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của Huế đã tạo ra sức hấp dẫn, thu hút và thuyết phục sâu rộng đối với trong nước và cả quốc tế. Ngày nay Huế là Thành phố Anh hùng, Thành phố sở hữu 7 Di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Đến năm 2025
Mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.
Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Vị trí địa lý
Thừa Thiên Huế là tỉnh ven biển nằm ở vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, có diện tích 503.320,52ha. Thừa Thiên Huế có đường biên giới với nước bạn Lào và có vị trí địa lý:
Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Trị;
Phía Đông giáp biển Đông;
Phía Nam giáp thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam;
Phía Tây giáp dãy Trường Sơn và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Đơn vị hành chính
Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 09 đơn vị hành chính trực thuộc gồm:
1Thành phố: thành phố Huế,
2 thị xã: Hương Thủy, Hương Trà
06 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông.
Dân số
Tính đến năm 2021, dân số tỉnh Thừa Thiên Huế có 1.153.795 người, trong đó dân sống ở thành thị: 609.377 người, sống ở vùng nông thôn: 544.418 người. Mật độ dân số là 233,2 người/km2.
Trong các dân tộc thiểu số sinh sống ở Thừa Thiên Huế thì các dân tộc Cơtu, Tà Ôi, Bru-Vân Kiều được xem là người bản địa sinh sống ở phía Tây của tỉnh. Trải qua quá trình sinh sống lâu dài, các dân tộc này đã tạo cho mình bản lĩnh dân tộc và nét văn hóa đặc trưng, thống nhất trong đa dạng, làm nên một tiểu vùng văn hoá ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế.
Năm 2021, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên 623.728 người. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi: 4,29%.
Giáo dục
Thừa Thiên Huế phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu học tập, bảo đảm công bằng trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân.
Hiện Huế có 218 trường mầm non, 220 trường tiểu học, 131 trường THCS và 42 trường PHTH. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có 230 trường mầm non, 234 trường tiểu học, 142 trường THCS và 44 trường PHTH.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 02 trường Đại học và 01 học viện; 05 trường Cao đẳng; 01 trường Trung cấp và khoảng 07 trường dạy nghề với nhiều chuyên ngành đào tạo từ cơ khí, điện tử, ngoại ngữ, . . . Trong thời gian tới, sẽ thành lập thêm một số trường đại học, trong đó có một số trường được nâng lên từ các trường Cao đẳng và khoa trực thuộc đại học Huế.
Mạng lưới trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng hiện có 36 cơ sở đào tạo, mục tiêu đến năm 2030 có 37 cơ sở đào tạo. Tỷ lệ bình quân hằng năm đào tạo hệ cao đẳng nghề chiếm khoảng 26% /năm; hệ trung cấp nghề chiếm khoảng 20%/năm; hệ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm khoảng 54%/năm.
Du lịch
Thừa Thiên Huế là một trong những vùng có nhiều di sản văn hóa. Ðến nay, không còn một vùng nào có một số lượng lớn các di tích mà những di tích này vẫn giữ được hình dạng vốn có của nó như ở cố đô này. Thừa Thiên Huế là thành phố duy nhất trong nước vẫn còn giữ được dáng vẻ của một thành phố thời phong kiến và nguyên vẹn kiến trúc của một nền quân chủ. Chính vì vậy, chính phủ đã xếp hạng các di tích ở cố đô Huế như là một tài sản vô cùng quí giá. Số lượng di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đã được xếp hạng (tính đến 31/12/2010) là 132, trong đó có 26 đình, 6 chùa, 2 đàn, 2 tháp, 94 di tích lịch sử và cách mạng, 2 di tích khác.
Kinh thành là một trong những địa điểm du lịch Huế rất quan trọng. Đây là công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất gắn liền với lịch sử triều Nguyễn. Trong quá khứ, đây chính là nơi ở, nơi sinh hoạt, là trung tâm hành chính, chính trị vua Nguyễn và các hoàng gia, thê thiếp. Cho đến nay, Kinh thành Huế vẫn còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc, cung điện nguy nga, các đền đài có giá trị văn hoá đặc biệt như: Ngọ Môn, Điện Thái Hoà, Duyệt Thị Đường, Kỳ Đài, Bao Vinh.
Ngoài ra
Còn có rất nhiều điểm du lịch tiêu biểu: hệ thống các lăng vua triều Nguyễn, khu lưu niệm Phan Bội Châu, Vườn quốc gia Bạch Mã, khu du lịch biển Lăng Cô, bãi biển Cảnh Dương, suối khoáng Thanh Tân, cầu ngói Thanh Toàn, sông Hương – núi Ngự, nhà vườn Huế, điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ, nhà thờ Phủ Cam…
Hạ tầng giao thông
Sở hữu nhiều lợi thế về địa hình, cơ sở hạ tầng đồng bộ. Vì thế việc kết nối giao thông tại huế khá thuận lợi. Các con đường từ bắc vào nam, từ nam ra bắc như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn công nghiệp hóa và đường sắt Thống nhất, đều đi qua địa phận Thừa Thiên Huế. Tỉnh có sân bay Phú Bài nằm cạnh quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt chạy qua Tỉnh.
Đường bộ
Toàn tỉnh có hơn 2.500 km đường bộ, Quốc lộ 1A chạy xuyên qua tỉnh từ Bắc xuống Nam cùng với các tuyến tỉnh lộ chạy song song và cắt ngang như tỉnh lộ 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8A, 8B, 10A, 10B, 10C, 11A, 11B, 15 và các tỉnh lộ khác.
Ngoài ra còn có tuyến quốc lộ 49 chạy ngang qua từ tây sang đông nối tiếp vùng núi với biển. Khu vực ven biển, đầm phá có quốc lộ 49B và một số tuyến ven biển khác. Ngoài ra còn có quốc lộ 14, tỉnh lộ 14B, 14C, quốc lộ 49 đi sang Lào.
Đến nay toàn tỉnh đã nhựa hóa được 80% đường tỉnh, bê tông hóa 70% đường giao thông nông thôn (đường huyện, đường xã), 100% xã có đường ô tô đến trung tâm.
Đường thủy
Hệ thống đường thuỷ của tỉnh có tổng chiều dài 563km sông, đầm phá.
Đường sắt
Tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua tỉnh Thừa Thiên Huế dài 101,2km đóng một vai trò quan trọng trong giao thông của tỉnh.
Đường hàng không
Thừa Thiên Huế có sân bay quốc tế Phú Bài nằm trên quốc lộ I, cách phía Nam thành phố Huế khoảng 15 km.
Cảng biển
Tỉnh có cảng biển là cảng nước sâu Chân Mây và cảng Thuận An. Cảng Thuận An có 5 cầu tầu dài 150m, có khả năng tiếp nhận tầu 1.000 tấn, được nhà nước công nhận là cảng biển quốc gia. Cảng nước sâu Chân Mây đang được triển khai xây dựng một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật đầu tiên nhằm khai thác lợi thế trục giao thông Bắc – Nam và tuyến hành lang Đông – Tây, tạo động lực phát triển kinh tế những năm sau.
Kết quả phát triển kinh tế năm 2021
Năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra 13 chỉ tiêu chủ yếu, kết quả có 9/13 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch, chủ yếu là các chỉ tiêu về xã hội và môi trường; 04 chỉ tiêu không thực hiện đạt, gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 4,36% (kế hoạch 7,4% – 8,4%), thu nhập bình quân đầu người đạt 2.200 USD (kế hoạch 2.300 USD), vốn đầu tư toàn xã hội đạt 25.545 tỷ đồng (kế hoạch 27.000 tỷ đồng), số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm 4 xã (kế hoạch 7 – 9 xã).
Sang năm 2022, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP: 6,5 – 7,5% so với năm 2021.
Kết quả phát triển kinh tế 9 tháng đầu năm 2022:
Trong 9 tháng của năm 2022, Huế đã đạt được những bước phát triển khá tốt, cụ thể:
Hoạt động du lịch: khách du lịch đạt 1.511 nghìn lượt, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ, tổng thu từ du lịch đạt 3.334 tỷ đồng, gấp 3 lần.
Hoạt động thương mại, giá cả: Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 38.541,4 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 29.931 tỷ đồng, chiếm 78%, tăng 10,9%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 ước giảm 0,3% so với tháng trước; bình quân 9 tháng tăng 3,6% so với cùng kỳ.
– Hoạt động xuất nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa đạt 79,7 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ; lũy kế KNNK 9 tháng đạt 652,7 triệu USD, tăng 18% và đạt 87% kế hoạch.
– Hoạt động vận tải: vận tải hành khách đạt 15.554,6 nghìn hành khách, tăng 29% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 13.792 nghìn tấn, tăng 21,7%. Doanh thu vận tải, bốc xếp và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 2.927,1 tỷ đồng, tăng 26,4%[5] .
Phát triển khu công nghiệp-Thừa Thiên Huế
Thừa Thiên – Huế có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển, hệ thống giao thông thuận lợi và đa dạng, bao gồm đường bộ và đường sắt nằm trên tuyến xuyên Việt, hai cửa khẩu thông thương với nước bạn Lào.
Thừa Thiên Huế được xác định là trung tâm thương mại, dịch vụ và giao dịch quốc tế và là một trong những đầu mối giao thông của khu vực miền Trung Tây Nguyên và cả nước; là trung tâm văn hoá – du lịch; khoa học và công nghệ; y tế chuyên sâu; giáo dục – đào tạo đa ngành chất lượng cao và là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất. Thừa Thiên – Huế nổi lên như một địa phương đi đầu về thu hút đầu tư công nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ với tỷ lệ thu hút đầu tư và lấp đầy các Khu Công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đạt mức cao.
Hiện nay, Thừa Thiên Huế có 06 KCN (Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa và Quảng Vinh)và 02 Khu kinh tế (KKT) đã được xây dựng và đưa vào vận hành thu hút đầu tư, trong đó KCN thuộc KKT Chân Mây – Lăng Cô (huyện Phú Lộc) có diện tích khoảng 570ha, KCN Hương Lâm thuộc KKT cửa khẩu A Đớt (huyện A Lưới) có diện tích khoảng 140 ha.
Tỷ lệ lấp đầy
Về tỷ lệ lấp đầy, nhiều KCN tại Thừa Thiên – Huế đạt tỷ lệ lấp đầy cao, cụ thể: KCN Phú Bài giai đoạn I, II đạt tỷ lệ lấp đầy 98% với 48 dự án đầu tư; KCN Phong Điền B và khu B mở rộng đạt tỷ lệ lấp đầy 74%; KCN Phú Đa đạt tỷ lệ lấp đầy 42,5%; KCN La Sơn đạt tỷ lệ lấp đầy 37% với 03 dự án đầu tư.
Các khu công nghiệp khác tại các Thừa Thiên Huế cũng đang nhận được sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư trong nước và Quốc tế như KCN Phú Bài Giai đoạn III, IV, KCN Phong Điền Mở rộng…dự kiến khi đi vào vận hành sẽ bổ sung khối lượng lớn diện tích đất công nghiệp tiềm năng.
Phát triển cụm công nghiệp
Về phát triển cụm công nghiệp, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025, nhằm xây dựng các cụm công nghiệp cơ bản đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phát huy được tiềm năng, lợi thế và nguồn lực của địa phương, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư.
Theo Đề án, giai đoạn 2021-2025: xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn theo quy định cho 03 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động; hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật tối thiểu 30% diện tích cụm công nghiệp thành lập mới; tỉ lệ lấp đầy đạt 20% diện tích cụm công nghiệp thành lập mới; tỉ lệ cơ sở sản xuất trong khu dân cư di dời vào cụm công nghiệp đạt 30% tổng số lượng cơ sở đăng kí thuê đất trong cụm công nghiệp; thu hút các cơ sở làng nghề vào các cụm công nghiệp tại các huyện Phú Vang, Phong Điền, A Lưới, và các huyện, thị xã khác.
Giai đoạn 2026-2030
Phấn đấu 100% các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn; hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, có tỷ lệ lấp đầy cao; thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng cho 03 cụm công nghiệp.
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích 956,42 ha; trong đó, thị xã Hương Thủy 02 cụm công nghiệp, thị xã Hương Trà 04 cụm công nghiệp, huyện Quảng Điền 01 cụm công nghiệp, huyện Phú Lộc 04 cụm công nghiệp, huyện Nam Đồng 02 cụm công nghiệp, thành phố Huế 03 cụm công nghiệp, huyện Phong Điền 02 cụm công nghiệp, huyện A Lưới 01 cụm công nghiệp, huyện Phú Vang 02 cụm công nghiệp. Tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp khoảng 4.066 tỷ đồng.
→ Quý khách cần tìm hiểu thêm vui lòng liên hệ với chúng tôi:
Bất động sản Việt Nam Blue Ocean Realty
✓ Fanpage: blueoceanrealtyvn
✓ Youtube: BlueOceanRealty và @batdongsanbor
✓ Instagram: blueoceanrealtyvn
✓ Tiktok: @bortintuc
✓ Hotline/ Zalo: 088 808 9696