Khu công nghiệp tỉnh Tây Ninh thu hút đầu tư | Tỉnh Tây Ninh thuộc miền Đông Nam bộ Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là tỉnh chuyển tiếp giữa vùng núi và cao nguyên Trung bộ xuống đồng bằng sông Cửu Long. Tây Ninh có diện tích tự nhiên 4.035,45km2.
Tây Ninh sở hữu nguồn lực phong phú, tích cực và đang đứng trước thời gian “vàng” để phát triển kinh tế – xã hội, trong đó nguồn lực con người và văn hóa là một trong những nhân tố cốt lõi trong chính sách địa phương.
Là địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Tây Ninh có vị trí thuận lợi và lợi thế phát triển cả về công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Tây Ninh là tỉnh biên giới, với 03 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam, 03 cửa khẩu quốc gia Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân và 10 cửa khẩu phụ khác; là đầu mối giao thương quan trọng kết nối Việt Nam với các nước ASEAN trong vùng Mekong mở rộng, các hành lang kinh tế quốc tế nhờ tuyến đường Xuyên Á. Mặt khác, Tây Ninh còn là địa phương có nhiều tiềm năng, cơ hội và lợi thế để đón bắt làn sóng đầu tư dịch chuyển từ Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh Đông Nam Bộ để phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội nói chung.
Tây Ninh kết nối liên vùng phát triển hạ tầng giao thông
Tỉnh Tây Ninh đã chủ động kết nối liên vùng phát triển hạ tầng giao thông, đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút giới doanh nhân, mời gọi doanh nghiệp về địa phương là cách mà tỉnh Tây Ninh đang nỗ lực thực hiện để đánh thức các tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2022, Tây Ninh xếp thứ 15 trong số 63 tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư nước ngoài.
Tình hình kinh tế- xã hội 10 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực ở khu vực thương mại dịch vụ: doanh thu bán lẻ hàng hoá (+11,32%); doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác (+12,14%); doanh thu dịch vụ vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải (+25,98%). Sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng được duy trì ổn định; chăn nuôi các dự án mới có quy mô lớn đang được triển khai thực hiện. Sản xuất công nghiệp có xu hướng phát triển tích cực hơn ở những tháng cuối năm, chỉ số phát triển công nghiệp 10 tháng, nhịp độ tăng khá hơn (+8,27%), nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra.
Tây Ninh đang trong quá trình thực hiện liên kết vùng mạnh mẽ, toàn diện hơn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững của địa phương, nhất là sau khi có Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vị trí địa lý
Tỉnh Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Tây Ninh.
Được xem là một trong những tỉnh giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh là tỉnh đầu mối và là cửa ngõ giao thông về đường bộ quan trọng phía tây nam Việt Nam; có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng của quốc gia; là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ-thương mại-du lịch của các nước.
Tiểu vùng sông Mêkông vì có vị trí địa lý nằm trong trục không gian phát triển chính của vùng: trục dọc có tuyến cao tốc đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14-tuyến N2) đi qua, trục ngang có tuyến đường Xuyên Á (thành phố Hồ Chí Minh –cửa khẩu Mộc Bài) và quốc lộ 22 B (Gò Dầu-cửa khẩu Xa Mát).Tây Ninh sở hữu nguồn lực tự nhiên vượt trội so với các địa phương Nam Bộ: “tính chất bản lề, chuyển tiếp địa hình giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ”,
Chất giao thoa văn hóa Đông và Tây Nam Bộ cao; tính chất vùng biên sâu đậm (trong số các địa phương có chung biên giới với Campuchia), giữ vai trò quan trọng trong kết nối TP.HCM với Phnôm Pênh cũng như trong quan hệ giao lưu văn hóa với Campuchia, Thái Lan, Lào và cả Đông Nam Á lục địa. Tây Ninh có vị trí địa lý:
- Phía Tây và Bắc giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240 km, có 2 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát), 4 cửa khẩu chính, 10 cửa khẩu phụ;
- Phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước;
- Phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An.
Đơn vị hành chính
Tỉnh Tây Ninh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 6 huyện với 94 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 17 phường, 6 thị trấn và 71 xã. Cụ thể:
Thành phố: Tây Ninh
Thị Xã: Hoà Thành, Trảng Bàng
Huyện: Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Tân Biên, Tân Châu
Dân số và lao động
Dân số:
Theo thống kê của Tổng cục thống kê Việt Nam, toàn tỉnh Tây Ninh có đủ 29 dân tộc cùng người nước ngoài sinh sống. Toàn tỉnh Tây Ninh có 9 tôn giáo khác nhau, nhiều nhất là Đạo Cao Đài
Lao động: Mỗi năm, địa phương đã tư vấn việc làm và học nghề cho khoảng 25.000 lượt lao động; Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, tuyển sinh được trên10.000 học sinh sinh viên. Đây là nguồn cung lao động dồi dào và chất lượng của tỉnh Tây Ninh.
Dân số tỉnh Tây Ninh trong độ tuổi lao động của Tây Ninh chiếm tỉ lệ lớn, tạo nên lực lượng lao động tương đối dồi dào và có trình độ chuyên môn kỹ thuật đồng đều. Điều đó không chỉ cho phép Tây Ninh phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, chế biến các sản phẩm nông nghiệp… mà còn mở ra khả năng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn, qua đó sẽ tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.
Giáo dục
Trên địa bàn toàn tỉnh Tây Ninh có gần 410 trường học ở cấp phổ trong đó có Trung học phổ thông có 31 trường, Trung học cơ sở có 106 trường, Tiểu học có 271 trường, 1 trường chuyên. Bên cạnh đó còn có 116 trường mẫu giáo. Với hệ thống trường học như thế, nền giáo dục trong địa bàn Tỉnh Tây Ninh cũng tương đối hoàn chỉnh, góp phần giảm thiểu nạn mù chữ trong địa bàn tỉnh.
Tây Ninh đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo, dạy nghề cho lực lượng lao động nhằm đáp ứng yêu cầu cho các nhà đầu tư. Hiện tại tỉnh có 01 trường Cao đẳng, 03 trường Trung cấp Nghề, 02 trường Trung học chuyên nghiệp, 01 Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, thường xuyên liên kết với các trường Đại học trong và ngoài nước để đào tạo nhân lực cho tỉnh, 03 Trung tâm Giới thiệu việc làm. Hàng năm cung cấp hàng nghìn lao động đã qua đào tạo. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và dạy nghề đạt 51%.
Y tế
Mạng lưới y tế hình thành khắp trong tỉnh, ngoài bệnh viện đa khoa tỉnh còn có các bệnh viện (Công lập và Tư nhân), và các trung tâm y tế ở các huyện, thành phố; phòng khám đa khoa (Công lập và tư nhân), các trạm y tế ở tất cả các xã trên địa bàn với các y bác sĩ, cán bộ y tế 2.052 người phục vụ ổn định; hiện có 2.326 giường bệnh và các trang thiết bị khám, chẩn đoán, chữa bệnh ngày càng hiện đại.
Du lịch
Tây Ninh có vị trí quan trọng nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và các điểm du lịch nổi tiếng của Campuchia: từ thành phố Hồ Chí Minh đến Phnom Penh qua cửa khẩu Mộc Bài khoảng 170 km, đến Siem Reap qua cửa khẩu Xa Mát khoảng 400 km. Do đó việc kết nối, tạo các tour giữa Tây ninh với các tỉnh thành trong nước, với Campuchia và các nước khác bằng đường bộ có nhiều tiềm năng để phát triển.
Tây Ninh có thể phát triển hầu hết các loại hình du lịch nghĩ dưỡng, sinh thái, tâm linh, giải trí,… Tuy nhiên, hạ tầng du lịch và dịch vụ còn chưa phát triển tương xứng và đang trong giai đoạn đầu hoàn thiện, do đó rất nhiều cơ hội lớn đang chờ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khám phá, thực hiện những ý tưởng độc đáo của mình.
Tây Ninh ngày nay là một vùng đất địa linh, có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội, nhất là tiềm năng về du lịch với nhiều điểm tham quan lý tưởng và tỉnh đang đẩy mạnh đầu tư, khai thác, có thể kể đến một số điểm chính: Khu Di tích lịch sử – văn hoá và thắng cảnh Núi Bà Đen, Quần thể Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam, Hồ Dầu Tiếng, Toà Thánh Cao Đài là Tổ đình của đạo Cao Đài Tây Ninh…
Quê hương và con người Tây Ninh luôn thân thiện, nghĩa tình và chào đón mọi người đến với Tây Ninh để hiểu hơn về quê hương và con người Tây Ninh。
Hạ tầng giao thông
Tỉnh Tây Ninh nằm trong vùng Đông Nam bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; phía Tây và Bắc giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240 km có 2 cửa khẩu Quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát), 4 cửa khẩu chính, 10 cửa khẩu phụ; phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Nam giáp TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An. Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài cách TP. Hồ Chí Minh 70 km và thủ đô Phnôm Pênh – Campuchia 170 km. Tây Ninh có các trục giao thông quan trọng như đường Xuyên Á, Quốc lộ 22B…
Các dự án giao thông quan trọng đi qua tỉnh sẽ khởi động trong tương lai như: đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh, đường vành đai biên giới, đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Tây Ninh… Tây Ninh đang trở thành giao điểm của trục hành lang kinh tế quốc tế; kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các nước ASEAN và trục hành lang kinh tế quốc gia kết nối Tây Nguyên với Tây Nam bộ… mở ra những triển vọng lớn, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực.
Đường bộ
Đường Xuyên Á qua địa bàn tỉnh Tây Ninh dài 28 km, nối TP. Hồ Chí Minh với Campuchia qua cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng.
Quốc lộ 22B là tuyến đường xương sống chạy dọc tỉnh từ Nam lên Bắc, nối TP. Hồ Chí Minh với cửa khẩu Quốc tế Xa Mát, đang được nâng cấp mở rộng cho 4 làn xe lưu thông, đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng. Hệ thống giao thông hiện có 5 trục Bắc – Nam và bốn trục Đông – Tây đang xây dựng và nâng cấp, cùng các đường nhánh kết nối thành mạng lưới, được nhựa hóa phủ khắp tỉnh.
Đường sắt
Trong tương lai tuyến đường sắt từ TP. Hồ Chí Minh nối cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, Xa Mát sẽ được triển khai.
Đường hàng không
Tây Ninh có khả năng phát triển đường hàng không từ cơ sở vật chất còn lại của sân bay quân sự (sân bay Trảng Lớn) tại xã Thái Bình, huyện Châu Thành, có thể xây dựng thành sân bay cấp 4 – 5, đường băng rộng 25 – 30 m, dài 1.000 m, có thể tiếp nhận các loại máy bay 50 – 70 chỗ ngồi. Mặt khác, cũng có thể xây dựng bãi đáp cho máy bay trực thăng trên đỉnh núi Bà Đen để phục vụ du lịch.
Cảng sông- cảng biển
Mạng lưới giao thông đường thủy gồm 2 tuyến chính: tuyến sông Sài Gòn và tuyến sông Vàm Cỏ Đông.
Trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 18 vị trí cảng, bến (8 cảng, bến tổng hợp; 3 cảng, bến xăng dầu; 7 cảng, bến vật liệu xây dựng) với tổng công suất thiết kế của hệ thống cảng, bến đường thủy là 17,4 triệu tấn/năm. Nổi bật có: Cảng Bến Kéo công suất thiết kế 3.800.000 tấn/năm; Cảng xăng dầu Long Thành Nam: Công suất thiết kế 100.000 tấn/năm; Cảng Gò Dầu: công suất thiết kế khoảng 1.700.000 tấn/năm; Cảng Lộc Thuận (trên sông Sài Gòn) công suất 1.250.000 tấn/năm…
Bức tranh kinh tế của tỉnh Tây Ninh năm 2022
Năm 2022, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo địa phương, với chính sách phù hợp, linh hoạt, khách du lịch quốc tế dần quay trở lại, khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Tây Ninh có nhiều chuyển biến tích cực, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; hoạt động thương mại khởi sắc; đời sống vật chất của người dân được nâng cao; an sinh xã hội được bảo đảm.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng trưởng cao 9,56%, giá trị tăng thêm (VA) các khu vực kinh tế đều tăng và có mức đóng góp vào tăng trưởng chung GRDP như: khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,70%, đóng góp 0,68 điểm % vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 15,02%, đóng góp 5,87 điểm %; khu vực dịch vụ tăng 9,61%, đóng góp 2,92 điểm %; các khoản thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,70% so cùng kỳ, cũng đóng góp 0,09 điểm % vào mức tăng trưởng chung.
Năm 2022, Tây Ninh có tốc độ tăng trưởng GRDP xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố cả nước. So với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh có tốc độ tăng trưởng xếp thứ 1/8 tỉnh thành. Xét về quy mô GRDP, Tây Ninh có quy mô GRDP xếp thứ 28/63 cả nước và xếp thứ 7/8 tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tổng thu ngân sách 2022 so với năm 2021
Tổng thu ngân sách năm 2022 đạt 12.101 tỷ đồng vượt 20,77% dự toán năm và tăng 16,59% so với năm 2021. Trong đó, thu nội địa ước đạt 10.452 tỷ, vượt 19,86% dự toán; thu xuất nhập khẩu ước đạt 1.649 tỷ vượt dự toán 26,85%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 15,51% so năm 2021, đạt cao nhất so với 3 năm gần đây. Trong năm tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khá cao so cùng kỳ. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 16,18% so với năm 2021.
Năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 758 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 16.284 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 11.887 lao động, tăng 18,44% về số doanh nghiệp, tăng 100,08% về vốn đăng ký và cũng tăng 61,57% về số lao động so với năm 2021.
Thu hút đầu tư nước ngoài
Thu hút đầu tư nước ngoài trong năm đạt 712,6 triệu USD. Đến ngày 19.12.2022, có 352 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 9.028,2 triệu USD, trong đó có 247 dự án hoạt động; 42 dự án đang xây dựng; 51 dự án chưa triển khai; 12 dự án dừng hoạt động; vốn thực hiện luỹ kế chiếm khoảng 50% tổng vốn đăng ký.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá năm 2022 đạt 76.434 tỷ đồng, tăng 22,79%, hầu hết các nhóm ngành hàng đều tăng.
Doanh thu hoạt động dịch vụ, lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác đạt 20.518 tỷ đồng tăng cao 36,58% so với cùng kỳ.
Tổng Cục thống kê công bố số liệu tốc độ tăng trưởng của tỉnh Tây Ninh năm 2022 đạt 9,56%, đứng thứ 16 của cả nước, nhất vùng Đông Nam bộ, đứng thứ 28 về quy mô nền kinh tế của cả nước… là những đều đáng mừng cho Tây Ninh năm 2022, tạo đà cho địa phương thực hiện các chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.
Kết quả phát triển kinh tế năm 2023
Năm 2023, tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu duy trì và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của cả nước, thực hiện hiệu quả các giải pháp đột phá của tỉnh; tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư…
Theo đó, tỉnh đã đề ra 20 chỉ tiêu chủ yếu. Kết quả đạt được: có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 7 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Cụ thể, chỉ tiêu kinh tế: có 3/10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ tiêu văn hóa – xã hội 7/7 chỉ tiêu đạt kể hoạch, chỉ tiêu môi trường 3/3 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Trong đó:
+ Tổng sản phẩm trong tỉnh thực hiện 59.235 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ (kế hoạch 2023 tăng 8% trở lên).
+ Chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm tăng 8,9% so với cùng kỳ (kế hoạch 2023 tăng 15%), tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 36,06% (kế hoạch 2023 là 37%).
+ Đầu tư nước ngoài: Lũy kế, có 397 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế (296 dự án nước ngoài và 101 dự án trong nước) với vốn đãng ký 9.243 triệu USD và 25.437 đồng.
+ Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 40.755 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ, đạt 37,4% GRDP (kế hoạch 2023là 37%) GRDP). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,9%, khu vực dân doanh tăng 9,0%, khu vực nhà nước tăng 3,1%.
+ Du lịch có bước phát triển khá hơn, tăng cả về lượng khách tham quan và doanh thu với 5,1 triệu lượt khách và doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng.
+ Tổng thu NSNN năm 2023 đạt 100% dự toán được giao.
+ Tỷ lệ giải ngân Tây Ninh xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, đạt 95,33% kế hoạch.
Mục tiêu phát triển của tỉnh Tây Ninh đến 2030, tầm nhìn 2045:
Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập trong bối cảnh có những thuận lợi nhất định: Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội đảng lần thứ XIII của Đảng thông qua, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua và 08 Quy hoạch ngành quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Theo dự thảo Quy hoạch, tổ chức không gian các hoạt động kinh tế được xác định theo 3 vùng kinh tế – 4 trục động lực. 3 vùng kinh tế gồm: vùng 1 là vùng phát triển công nghiệp, đô thị dịch vụ có tính lan toả và vùng nông nghiệp công nghệ cao; vùng 2 là vùng trung tâm hành chính, văn hoá, giáo dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ làm chủ đạo, tiếp đến là công nghiệp hỗ trợ và chế biến, nông nghiệp công nghệ cao; vùng 3 là vùng phát triển nông nghiệp, từng bước phát triển dịch vụ hướng an sinh xã hội và du lịch sinh thái.
Giải pháp liên kết vùng
Khu công nghiệp tỉnh Tây Ninh xác định đã đến lúc không thể phát triển theo tốc độ bình thường mà phải có thay đổi tư duy đột phá, trong đó phải nhận diện tiềm năng, lợi thế ở góc độ của tỉnh nhưng mang tầm của quốc gia, khu vực và góc độ địa phương. Từ đó đề ra giả pháp mang tính liên kết vùng vì lợi ích chung, vượt qua ranh giới là tư duy địa phương, cục bộ địa phương; góp phần phát triển cho vùng và cho quốc gia. Mục tiêu cụ thể như sau:
Về cơ cấu kinh tế đến năm 2030, tỷ trọng nông – lâm – ngư nghiệp 7,8%, công nghiệp – xây dựng 69,2%, dịch vụ chiếm 16%; GRDP bình quân đầu người 340 triệu đồng/năm; tỷ lệ đô thị hoá từ 55% trở lên, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% các huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bứt phá trong giai đoạn 2026 – 2030
Kinh tế Tây Ninh tăng trưởng nhanh và bứt phá trong giai đoạn 2026 – 2030 với các điều kiện: Hệ thống kết nối giao thông hạ tầng kết nối liên vùng được hoàn thiện sớm, với cao tốc TP.HCM – Mộc Bài được hoàn thiện trước 2025 và cao tốc Gò Dầu – Xa Mát (giai đoạn 1) hoàn thiện trước năm 2030. Ngoài ra, các cảng và trung tâm logistics bao gồm cảng Mộc Bài, cảng Hưng Thuận được đưa vào hoạt động sớm sẽ thúc đẩy luồng giao thông hàng hóa, giúp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và giao thương với các tỉnh bên ngoài và thị trường quốc tế.
Hệ thống giao thông, hạ tầng thương mại thông suốt và có tính kết nối cao sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, giúp thu hút đầu tư và tạo thêm việc làm cho Tỉnh.
Đến năm 2030, Tây Ninh phải trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và là địa điểm có môi trường sống tốt bậc nhất khu vực. Nâng cao chuỗi giá trị, tăng tỷ trọng du lịch trong GRDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Đến năm 2050, Tây Ninh sẽ trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao, có thương mại và du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Khu công nghiệp tỉnh Tây Ninh đầu tư phát triển
Tây Ninh hiện có 6 KCN nằm trong quy hoạch KCN Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 1 KCN trong KKT cửa khẩu Mộc Bài với tổng diện tích đất theo quy hoạch là 4.067,11ha. Trong đó có 6 KCN đã được cấp phép thành lập và hoạt động với tổng diện tích đất được duyệt theo quy hoạch 3.493,3ha, diện tích đất thực hiện 3.491,18ha, đất công nghiệp có thể cho thuê 2.616,61ha, đã cho thuê 1.721,27ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 65,78% (riêng KCN Hiệp Thạnh 573,81ha chưa có quyết định thành lập).
Hiện nay tại các KCN đang hoạt động cơ bản đã hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đường, hệ thống chiếu sáng, cấp và xử lý nước thải,…) để phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN. Lũy kế đến ngày 31/3/2023, tại các KCN, KKT có 378 dự án đầu tư còn hiệu lực (281 dự án FDI, 97 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư đăng ký 8.416,62 triệu USD và 21.298,28 tỷ đồng; trong đó có 291 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho 134.224 lao động.
Khu công nghiệp tỉnh Tây Ninh thu hút đầu tư
Sự hình thành và phát triển của các khu công nghiệp tỉnh Tây Ninh đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp trong GRDP, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng nguồn thu ngân sách cho tỉnh nhà; tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng mới trong và ngoài KCN có giá trị lâu dài. Ngoài ra còn tác động tích cực đến việc hình thành đô thị mới và phát triển ngành dịch vụ tại địa phương (tài chính, ngân hàng, dịch vụ lưu trú, ăn uống,… ), tạo việc làm ổn định cho người dân, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Các Khu công nghiệp tỉnh Tây Ninh đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa tỉnh nhà, là nhân tố quan trọng góp phần tăng mạnh giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Tầm nhìn đến 2050
Đến thời điểm hiện tại các KCN trên địa bàn tỉnh còn trên 300ha quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư. UBND tỉnh Tây Ninh đã trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét phê duyệt Đề án bổ sung các KCN mới, KCN mở rộng vào quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Đề án, dự kiến trong giai đoạn tới tỉnh Tây Ninh sẽ quy hoạch mới 2 KCN và quy hoạch mở rộng 1 KCN với tổng diện tích đất đề xuất 3944ha để đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Quỹ đất của Tây Ninh còn nhiều vị trí nhiều thuận lợi, kết cấu hạ tầng và dịch vụ đang ngày càng hoàn thiện; các chính sách liên quan đến nhà đầu tư và doanh nghiệp luôn thông thoáng và nhất quán… đang là những điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nếu bạn quan tâm đến Bất động sản Việt Nam hoặc đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi là đối tác lý tưởng.
Với chuyên môn trong lĩnh vực khu công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là bất động sản công nghiệp và khu công nghiệp Hà Nội, chúng tôi cam kết mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn. Hãy liên hệ ngay để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn đạt được mục tiêu kinh doanh của mình.
Bất động sản Việt Nam Blue Ocean Realty
✓ Fanpage: blueoceanrealtyvn
✓ Youtube: BlueOceanRealty và @batdongsanbor
✓ Instagram: blueoceanrealtyvn
✓ Tiktok: @bortintuc
✓ Hotline/ Zalo: 088 808 9696